KHOẢNG TRẮNG 20 NĂM CỦA LÝ CHIÊU HOÀNG (VỊ NỮ HOÀNG DUY NHẤT CỦA NƯỚC TA)

Quả núi Tiêu Sơn có nhớ công

Mà em đem nước để theo chồng

(Vịnh Lý Chiêu Hoàng – Tản Đà)

Lý Chiêu Hoàng là một trong những nhân vật đặc biệt trong lịch sử. 60 năm cuộc đời, 2 lần bị phế, 2 lần làm vợ và 6 danh hiệu. Bà có 20 năm là khoảng trống với nhiều giả thuyết khác nhau. Như vậy, 20 năm ấy được các nguồn phi chính sử bổ sung như thế nào?

Theo người làng Giao Tự (Kim Sơn, Hà Nội), bà Phật Kim đã đi tu và lấy pháp hiệu là Vô Huyền. Ngôi chùa bà xuất gia có tên là Linh Tiên. Theo nguồn tin khác, sau khi bị phế truất, bà tự tử bất thành và tu ở một ngôi chùa ven Hồ Tây.

Trong bài văn chầu ca ngợi bà, có đoạn viết như sau:

Hoàng bào long cổn đổi thay

Sớm trưa dặm liễu tháng ngày đường thâu

Nào hay cánh cùng người có ý

Chốn Tây Hồ thú vị thảnh thơi

Có phen dạo bước ra chơi

Sen đưa mặt nước hoa cười trên cây

Xem cổ thụ rồng bay trướng tán

Nước Tây Hồ lai láng trong xanh

Tây Hồ đấy nước dành dành

Sâu nông tầng khắp ngàn hình có nơi

Nào hay cảnh trêu người thong thả

Gió thoảng đưa nức cả mùi hoa…

Bài chầu văn trên cho thấy bà tu hành ở Hồ Tây nhưng tư liệu dân gian cho biết: Phật Kim thường đi vân du, giảng kinh ở các chùa. Bấy giờ, trên núi Vân Tiêu (phía tây Yên Tử) có ngôi chùa thiêng, bà ở lại tu hành cho đến khi tái giá.

Thứ hai, công tích của bà đối với nhân dân. Từ xưa đến nay, chúng ta chỉ thương cảm với số phận éo le của bà mà quên rằng bà là một vị Thành Hoàng. Thành Hoàng là một tín ngưỡng, những vị có công với dân nước sẽ được lập miếu để bảo trợ cho xứ họ được thờ phụng. Riêng Chiêu Hoàng, bà được một số vùng hương khói do giúp đỡ dân chúng.

Theo cuốn “Lý Thái hậu Thực lục”, bà đi rất nhiều nơi. Đi đến đâu bà cũng dùng tiền riêng để lập đàn cúng tế, phát chẩn giúp dân nghèo. Bà giúp dân làm ăn sinh sống, mở mang làng xã, khuyên nhủ nhân dân sống hòa thuận, chăm lo cày cấy và tế bái. Vì thế, nhân dân các làng: Yên Thành (huyện Vĩnh Thuận, Hà Nội), làng Giao Tự (Kim Sơn, Gia Lâm, Hà Nội), thôn Thái Đường (Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội)… đều thờ tự bà.

Không chỉ thế, dấu chân và ân đức của bà còn đến với người dân vùng biển và miền núi. Tại làng Hào Khê (quận Lê Chân, Hải Phòng), làng Thù Lâm (huyện Phổ Yên, Thái Nguyên) vẫn còn khói hương nghi ngút. Tất cả những đền miếu đó như bằng chứng về công tích của vị nữ hoàng duy nhất đối với nhân dân.

Lịch sử là sương mù, lịch sử không chỉ là chính sử. Các vị nữ danh nhân nước ta, bằng cách này hay cách khác đều ghi dấu ấn của mình trên trang sử Việt. Tiền nhân, không cần sự thương hại.

Nguồn:

Truyện hay trong lịch sử Việt Nam, Lê Thái Dũng, NXB Hồng Đức, 2016

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *