HỒ QUÝ LY: THÀNH BẠI LUẬN ANH HÙNG

Một trong những nhân vật cũng không kém phần tranh cãi trong lịch sử Việt Nam

HỒ QUÝ LY: THÀNH BẠI LUẬN ANH HÙNG

Cứu nước tài hèn thua Lý Bật

Dời đô vụng kế khóc Bàn Canh

(Cảm Hoài – Hồ Quý Ly, bản dịch)

Nhắc đến Hồ Quý Ly, Lê Tương Dực, Lê Long Đĩnh, Mạc Thái Tổ… là bao lời lên án đều trút xuống đầu họ. Đặc biệt là Hồ Quý Ly, cả chính sử lẫn dân gian đều không có lời tốt cho ông. Bởi vì ông ta có tội. Nhưng khi nhận xét một nhân vật lịch sử – một vị tiền nhân của chúng ta có đơn giản chỉ là công hay tội chăng?

Trước hết, xin xét vấn đề chính thống và ngụy triều trong quốc sử.Từ năm 939, Ngô Vương Quyền đánh tan giặc Nam Hán mở đầu kỷ nguyên độc lập của nước ta. Từ đó, Việt Nam trải qua bảy triều đại: Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Thực ra còn có Hồ, Mạc, Tây Sơn nhưng sử sách chính thống xem đó là ngụy triều hoặc nhuận triều (triều đại dư thừa).

Theo nhà sử học Trần Trọng Kim: “Những người làm quốc sử nước Tàu và nước ta thường chia những nhà làm vua ra chính thống và ngụy triều. Nhà nào, một là đánh giặc mở nước, sáng lập ra cơ nghiệp, hai là được kế truyền phân minh, thần dân đều phục, ba là dẹp loạn yên dân, dựng nghiệp ở đất trung nguyên thì cho là chính thống. Nhà nào, một là làm tôi cướp ngôi vua, làm sự thoán đoạt không thành, hai là xưng đế xưng vương ở chỗ rừng núi, hay là ở đất biên địa, ba là những người ngoại chủng vào chiếm nước làm vua thì gọi là ngụy triều”. Vì quan điểm đó nên sử học Nho gia gọi nhà Hồ là nhuận Hồ. Vậy triều đại ngắn ngủi này có phải là dư hay không?

Hoàn cảnh lịch sử:

Năm 1358, Thượng Hoàng Trần Mạnh băng hà, triều đình suy tôn miếu hiệu là Minh Tông. Quan Gia Trần Hạo tự mình chấp chính, thời kỳ suy vong của nhà Trần bắt đầu. Trần Hạo được đánh giá là người thông minh hiếu học nhưng khi chấp chính ông dần bỏ bê chính sự. Ông ham mê tửu sắc, ra lệnh cho xây cung điện, tạo sưu cao, thuế nặng làm cho nhân dân vô cùng khổ sở và ca thán. Trong nước, giặc giã nổi lên khắp nơi. Trong khi đó tại triều đình, các bọn gian thần kéo bè kết đảng và trở nên lộng hành vô cùng. Quốc Tử Giám Tư Nghiệp Chu An dâng Thất Trảm Sớ yêu cầu chém bảy tên quyền thần nhưng không được chấp thuận. Ông trở về quê nhà trong sự bất lực trước thế sự nhiễu nhương.

Năm 1369, Trần Hạo băng hà, miếu hiệu Dụ Tông. Triều đình tôn con nuôi của Cung Tĩnh Vương là Trần Nhật Lễ lên ngôi. Ông đã tiến hành một loạt hành động xóa sổ tôn thất nhà Trần. Nhưng làm Tể Tướng, Cung Định Vương Trần Phủ tránh ra Trấn Đà Giang khiến cho các em là Cung Tuyên Vương Trần Kính, Chương Túc Quốc Thượng Hầu Trần Nguyên Đán và Thiên Ninh Công Chúa phải thỉnh cầu ông vực dậy cơ nghiệp nhà Trần. Họ hội ở sông Đại Lại, phủ Thanh Hóa để dấy quân. Lật đổ được Nhật Lễ, giáng xuống làm Hôn Đức Công. Vì có công nên nhân vật Lê (Hồ) Quý Ly xuất hiện trên chính trường.

Những cải cách của Hồ Quý Ly

Nội trị:

-Ấn định lại mũ áo, phẩm phục của tất cả các quan văn võ trong triều theo từng màu sắc riêng từ nhất phẩm đến cửu phẩm. Ấn định lại qui chế quan chức trấn nhậm bên ngoài. Chia đất nước ra thành từng hạt, đổi lộ thành trấn, dưới trấn là phủ, châu, huyện, xã. Quan chức thì Trấn có chánh phó An phủ sứ, Phủ có chánh phó Trấn phủ sứ, Châu có Thông phán, Thiêm phán, Huyện thì Lệnh úy, Chủ sự. Bên quân sự thì là Đô đốc, Đô hộ, Đô thống, Tổng quản, bãi bỏ các chức đại tiểu tư xã, chỉ giữ chức quản giáp như cũ.

-Ấn định lại mức hạn điền của các thân vương, tôn thất, quan lại các cấp và những người giàu có. Ngoại trừ các bậc đại vương và trưởng công chúa không giới hạn, các thành phần còn lại đều có giới hạn theo từng chức tước phẩm hàm, dân thường thì không quá 10 mẫu, ai có dư sung vào công điền. Chế độ gia nô cũng theo hướng giảm dần. Hai chính sách nầy nhằm hạn chế người có chức quyền chiếm hữu đất hoang, đất của dân bừa bãi, bắt dân làm gia nô và hạn chế thế lực cát cứ của họ.

-Hình luật và sưu dịch, thuế khóa đời Trần khá nặng, nay định lại, có thứ tăng cũng có thứ giảm. Đinh nam không có ruộng và trẻ mồ côi, đàn bà góa có ruộng đều được miễn sưu thuế. Đặt trạm y tế (y tỳ) khắp nơi để chăm lo sức khỏe cho dân.

-Ấn định lại việc học hành và thể lệ thi cử. Trước kia chỉ ở kinh thành mới có trường học, nay mở thêm ở các trấn, phủ, châu do một quan Đốc học phụ trách. Cấp cho mỗi trường từ 10 đến 15 mẫu ruộng tùy theo lớn nhỏ để làm chi phí cho việc dạy và học. Mỗi cuối năm, vị quan Đốc học phải sàng lọc, chọn lựa người ưu tú, tài giỏi tiến cử lên triều đình. Đổi tên gọi thi Thái học sinh trước kia thành thành thi Cử nhân, ba năm thi một lần. Năm đầu thi Hương, năm kế thi Hội, năm thứ ba vào thi trong bộ Lễ, nếu đỗ mới được bổ làm quan. Trước kia thi tam trường nay thi tứ trường, bỏ môn ám tả cổ văn, thêm môn toán pháp, các môn khác vẫn như cũ.

Hai chính sách nầy đã được các sử thần đời trước khen nức nở dù họ luôn luôn buộc tội Hồ Quí Ly. “Lúc bấy giờ có chiếu lệnh nầy có điều gì đẹp bằng (Ngô Sĩ Liên). Phép khoa cử của thời Trần đến đây mới hoàn bị, thể văn tự tứ trường đến nay phải theo dùng, kết cục không thể thay đổi. Dùng văn để chọn kẻ sĩ cách ấy không gì tốt hơn” (Ngô Thì Sĩ). Đối với các viên thư lại cũng phải qua một kỳ khảo hạch gọi là thi Lại viên. Từ năm 1393 đến năm 1405 tổ chức ba lần thi Cử nhân và hai lần thi Lại viên. Nguyễn Trãi là một trong năm người đỗ đầu trong lần thi Cử nhân năm 1400.

-Phát hành tiền giấy “thông bảo hội sao” gồm ba mệnh giá là quan, đồng và mạch thay thế tiền đồng lưu hành trong cả nước. Một quan tiền đồng đổi một quan hai mạch tiền giấy. Sáng kiến nầy nhằm thu hồi tiền đồng cất vào kho để phòng khi có chiến tranh chế tạo vũ khí. Ai không qui đổi, cố tình cất dấu, tàng trữ sẽ bị tội chết như người làm tiền giả. Tuy nó không thành công lắm nhưng đó là cái mốc lịch sử về việc xài tiền giấy đầu tiên của nước ta, chỉ sau Trung quốc và trước cả châu Âu.

-Củng cố và kiện toàn việc võ bị. Hồ Quí Ly từng nói với quần thần “Làm thế nào để có được trăm vạn quân đối địch lại giặc phương Bắc?”. Quần thần khuyên ông kiểm tra hộ tịch, hộ khẩu trong nước để biết có bao nhiêu trai tráng rồi tuyển chọn những người khỏe mạnh, nhanh nhẹn, gan dạ sung vào quân ngũ thay thế những quân nhân bệnh tật, già yếu và ông đã thực hiện. Biên chế quân đội thành những đơn vị từ nhỏ đến lớn: đội, vệ, đoàn, dinh, trung quân, đại quân, cấm quân và chia thành nam ban, bắc ban đặt dưới quyền thống lĩnh và chỉ huy của một viên đại tướng. Tuyển chọn những thợ rèn giỏi, có tay nghề cao sung vào công binh xưởng chế tạo súng “Thần cơ” và cung tên gươm giáo.

Đóng loại thuyền đinh gọi là “trung tào tải lương”. Đó là cái tên ngụy trang của loại thuyền chiến lớn có sàn, binh sĩ đi trên sàn, người chèo dưới sàn rất thuận tiện cho việc chiến đấu, có tên khác là “Cổ lâu” (thuyền lầu). Đóng cọc nhọn ở các cửa biển và các nơi hiểm yếu ở các con sông để làm rào ngăn chặn thuyền chiến quân giặc.

-Ngoại giao:

Chiêm Thành: Sau khi Chế Bồng Nga chết, quân Chiêm không còn hung hăng, hiếu chiến như trước nhưng vẫn thường xuyên quấy rối ngoài biên, Quí Ly sai quan quân đánh dẹp, truy đuổi gần tới thành Đồ Bàn, vua Chiêm phải dâng đất Chiêm Động (Quảng Nam) và Cổ Lũy (Quảng Ngãi) để cầu hòa. Ông chia hai đất ấy thành bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, di dân vào khai hoang lập nghiệp và đặt quan cai trị. Cho viên quan lại người Chiêm đầu hàng trông coi đất Cổ Lũy, châu Tư Nghĩa để vỗ về dân Chiêm. Từ đó về sau mối bang giao trở lại bình thường, nước Chiêm vẫn triều cống theo lệ cũ.

Nhà Minh: Năm 1395 họ đòi ta phải cung cấp 5 vạn quân, 50 con voi và 50 vạn thạch lương cho họ đánh người Man nhưng Quí Ly từ chối. Năm 1405 họ lại đòi đất Lộc Châu (Lạng Sơn) của ta. Quí Ly sai Hoàng Hối Khanh sang điều đình với họ. Hối Khanh nghe lời viên quan ở Quảng Tây nói đất đó của nhà Minh do ta chiếm, bèn đem 59 thôn ở Cổ Lâu trả lại cho họ. Quí Ly trách mắng Khanh thậm tệ và cho người âm thầm đầu độc các thổ quan người Minh cai trị những đất ấy.

Kết luận:

Hồ Quý Ly có ước mơ 100 vạn quân chống giặc nhưng chính như Tướng Quốc Hồ Nguyên Trừng đã nói trong hội nghị ở thành Tây Đô: “Tôi không sợ đánh chỉ sợ lòng dân không theo”. Lòng dân luôn là ủng hộ vững chắc của vương triều. Không có dân làm gì có nước, không có nước sao nói đến nhà.Huống chi, từ xưa ngoại thích thay ngôi vốn là chuyện bình thường. Lý Công Uẩn không phải con rể Lê Đại Hành sao? Trần Cảnh không phải con rể Lý Huệ Tông sao? Nguyễn Huệ và Nguyễn Phúc Ánh, tuy trường hợp có khác nhưng chẳng phải đều là con rể Lê Hiển Tông hay sao? Hồ Quý Ly bất hạnh hơn họ vì ông bất chấp thủ đoạn và vì những cải cách nóng vội trước giặc mạnh của ông.

Hồ Quý Ly bị lên án vì ông ta giết tôn thất họ Trần và vong ân bội nghĩa với Trần Nghệ Tông. Nguyên nhân của cuộc thảm sát sau hội thề Đốn Sơn là về phía họ Trần và sự do dự của Trần Khát Chân. Còn chuyện bội nghĩa với Nghệ Tông, xin đừng quên, kẻ cho Chu Đệ cái cớ “phù Trần diệt Hồ” họ Trần và xin nhớ cho rằng chỉ khi Trần Nghệ Tông chết thì nhà Trần mới thay họ Hồ.

Một điều khiến Hồ Quý Ly thất bại nữa là hư danh. Tào Mạnh Đức có câu: “Đừng mộ hư danh mà chuốc lấy họa thực”, ông đã có thực quyền hà tất phải lên ngôi hoàng đế cho người đời lên án đâu? Và không thể nối kết lòng người. Về điều này thì Trần Thủ Độ làm tốt hơn nhiều.

Hơn nữa, thịnh cực tất suy. Một khi pháp chế đã không bắt kịp với thời đại thì vương triều chỉ có thể tiêu vong. Và nếu không có Hồ Quý Ly thì cũng sẽ có những người khác mà thôi.

Nguồn:

-Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim.

-Cải cách Hồ Quý Ly, Phan Đăng Thanh – Trương Thị Hóa.

Cre : Mai Huỳnh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *