Vua Quang Trung xem ra vẫn có người không đồng thuận.


Một số sĩ phu tiêu biểu có tư tưởng muốn phục hưng chính quyền Lê – Trịnh, chống đối phong trào Tây Sơn

1. Lý Trần Quán

Những tư liệu còn lại cho tới thời nay cho thấy, Lý Trần Quán sinh năm 1734 trong một gia đình rất trọng chữ nghĩa ở thôn Kim Hoàng, xã Vân Canh (nay là xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội). Cha ông gốc họ Đặng, tên là Trần Diễm (có sách ghi là Diệm), sinh năm 1705, họ xa của Đặng Công Toản, đệ tam giáp đồng tiến sĩ năm 1520, thời nhà Hậu Lê…

Lý Trần Quán ngay từ nhỏ đã nổi tiếng là người hiền hậu, giản dị và hiếu nghĩa. Khi mẹ ông qua đời, ông đã ở nhà mồ luôn ba năm liền; miệng không ăn thịt cá, thân thể gầy rạc, chỉ còn da bọc xương. Ông thường tự nói: “Ta nay đã bốn chục tuổi đầu, nhưng những việc đã làm trong quãng đời vừa qua của ta, chỉ có ba năm chịu tang này là gần với đạo làm người”…

Lý Trần Quán đỗ đồng tiến sĩ năm Bính Tuất (1766). Khi đó, ông ở tuổi 31. Năm 1786, Nguyễn Huệ – khi này là Long Nhương tướng quân kéo quân ra Bắc với danh nghĩa “Phù Lê diệt Trịnh”. Chúa Trịnh là Đoan Nam vương Trịnh Khải chạy về Hạ Lôi. Lý Trần Quán đón tiếp, giả bộ Trịnh Khải là quan Tham tụng Bùi Huy Bích. Tuy vậy, học trò của ông là Nguyễn Khang biết rõ chuyện thực và báo cho quân Tây Sơn tới bắt Trịnh Khải. Trịnh Khải tự tử trên đường đi.

Khi bị Trần Quán chỉ trích, Nguyễn Khang đáp:

“Sợ thầy không bằng sợ giặc, yêu chúa không bằng yêu mình”.

Tự xét thấy mình không bảo vệ được chúa và không biết dạy dỗ học trò, Lý Trần Quán tự tìm tới cái chết. Ông mua quan tài, mặc nguyên mũ áo nằm vào trong, rồi sai người đem chôn sống vào ngày 29 tháng 6 âm lịch năm 1786, hai ngày sau khi Trịnh Khải chết.

2. Lê Quýnh

Lê Quýnh (1750-1805) là quan nhà Lê trung hưng, quê ở làng Đại Mão, huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, Kinh Bắc (nay là thôn Đại Mão, xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Ông còn có tên là Lê Doãn Hữu, con trai của tiến sĩ Lê Doãn Giản.

Năm 21 tuổi, Lê Quýnh được bổ làm nho sinh ở Chiêu Văn quán. Lúc trẻ ông là một công tử chơi bời nhưng biết làm văn. Năm 1774, lúc 25 tuổi, cha mất, ông về làng nuôi mẹ.

Năm 1786, sau khi Nguyễn Huệ diệt họ Trịnh, ông đem 300 gia đinh ra Thăng Long bảo vệ vua Lê Hiển Tông. Sau khi Lê Hiển Tông qua đời, cháu nội là Lê Duy Kỳ lên thay, tức vua Lê Chiêu Thống. Lê Quýnh nhận lệnh trấn giữ miền Giang Bắc, cắt đặt các công việc.

Tháng 12 âm lịch năm 1787, sau khi Vũ Văn Nhậm đem quân Tây Sơn tiến vào Thăng Long, Lê Chiêu Thống bỏ kinh thành chạy lên Kinh Bắc, sai hoàng đệ Duy Chi đem thị thần Lê Quýnh và tôn thất tất cả hơn 30 người rước thái hậu và nguyên tử (con trai Lê Chiêu Thống) đi Cao Bằng.

Tháng 4-1788, ông tới được Thái Nguyên, gặp Đốc trấn Cao Bằng cho người đón lên Mục Mã (Cao Bằng) nhưng không lâu sau quân Tây Sơn đuổi tới, ông cùng đốc đồng Nguyễn Huy Túc, phiên thần Địch quận công Hoàng Ích Hiểu, Trường Xa hầu Phạm Đình Phan và Phượng Thái hầu Nguyễn Quốc Đống bảo vệ thái hậu và nguyên tử theo cửa ải Thủy Khẩu chạy sang Long Châu. Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị được lệnh che chở cho họ ở Nam Ninh và vua Càn Long bằng lòng cứu viện vua Lê. Sau đó Lê Quýnh và Nguyễn Quốc Đống trở về tâu với Lê Chiêu Thống. Lê Chiêu Thống sai tham tri chính sự Lê Duy Đản và Hàn lâm hiệu thảo Trần Danh Án vâng mệnh lệnh đem tờ bẩm, đi đường tắt, lên đón quân nhà Thanh. Ngày 24 tháng 10 năm 1788, quân Thanh được lệnh lên đường, tới ngày 1 tháng 11 đã vượt biên giới tiến vào Lạng Sơn và ngày 22 tháng ấy lấy lại kinh thành Thăng Long, đưa Lê Chiêu Thống trở lại ngai vàng. Lê Chiêu Thống phong Lê Quýnh lên Trung quân đô đốc, tước Trường Phái hầu.

Ngày 2-12-1789, Lê Chiêu Thống sai Lê Quýnh giữ việc tổng quản binh lương, hạn ngày tiến quân đánh dẹp quân của vua Quang Trung. Nhưng Tôn Sĩ Nghị muốn dùng kế dụ địch đến, giục Chiêu Thống thu hồi lại ấn kiếm, đổi chức vụ của Quýnh làm Đồng binh chương sự. Bấy giờ bệnh sốt rét của Lê Quýnh rất nguy kịch, bèn xin về nhà nghỉ để thuốc men điều trị.

Sau đó, quân Tây Sơn, dưới sự chỉ huy của vua Quang Trung, đã phản công và nhanh chóng đánh tan quân Thanh. Lê Chiêu Thống lại phải chạy trốn sang đất Trung Quốc vào đầu tháng giêng năm 1789.

Tháng 2 năm 1789, Lê Quýnh mới biết Tôn Sĩ Nghị đã thất bại, Lê Chiêu Thống đã chạy sang Trung Quốc. Ông lại tụ họp quân sĩ để đợi quân của Lê Chiêu Thống.

Tháng 4-1789, Phúc Khang An, khi đó thay Tôn Sĩ Nghị làm tổng đốc Lưỡng Quảng, đã dâng biểu xin hoàng đế Càn Long bãi binh. Các thần Hoà Thân ngấm ngầm ở trong ủng hộ cho kiến nghị ấy của Khang An, cố sức khuyên vua Thanh nên bãi binh. Vua Thanh cho lời tâu ấy là phải, bèn ra sắc mệnh phong Văn Huệ làm An Nam quốc vương, rồi triệu Lê Chiêu Thống và các bầy tôi trước sau theo sang tòng vong đều cho phép lục tục vào cả Yên Kinh.

Tháng 6, Lê Quýnh gặp người anh họ tên là Lê Huy Lý, vâng mệnh Phúc Khang An sai về gọi Lê Quýnh lên cửa ải hỏi chuyện. Lúc ấy những việc mưu tính của ông còn chưa xong, bệnh cũng chưa khỏi hẳn nên đến tháng 7 mới lên đường đến cửa ải Nam Quan.

Tháng 11-1802, sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, vua Gia Long cử Thượng thư Binh bộ là Lê Quang Định làm chánh sứ dẫn đầu đoàn sứ thần sang nhà Thanh cầu phong. Nhân đó, ông cùng các cựu thần nhà Hậu Lê còn lưu lạc tại Trung Quốc xin đưa di hài của Lê Chiêu Thống, mẹ và con trai vị vua bất hạnh này về an táng tại Việt Nam. Hoàng đế nhà Thanh ân chuẩn. Ngày 13 tháng 8 năm 1804, ông cùng các cựu thần hộ tống di hài ba người về tới Việt Nam, vua Gia Long cho an táng tại Thanh Hóa. Ngày 16 tháng 9 âm lịch năm Ất Sửu (1805) ông mất, hưởng dương 55 tuổi.

3. Trần Công Xán

Trần Công Xán Vĩ, huyện Đông Yên, Châu). Ông đỗ tiến sĩ Tông (1772), được bổ

(1731-1787) còn có tên là Trần Công Thước, người làng Yên phủ Khoái Châu (nay là thôn An Vĩ, xã An Vĩ, huyện Khoái khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 33 đời Lê Hiển làm quan chức Hiến sát, Tham chính. Năm Canh Tý (1780) ông đi sứ nhà Thanh, khi về được thăng làm Ngự sử, tước Luyện Trạch hầu. Đến năm Ất Tỵ (1785), thăng chức Tham tụng. Năm sau, gặp khi trong nước có biến loạn, ông đứng ra lo toan mọi việc để bảo toàn tôn miếu xã tắc nhà Lê, được vua Lê trọng dụng cho thăng chức Hình bộ thượng thư đồng bình chương sự.

Khi Nguyễn Huệ ra Thăng Long, các quan đều sợ hãi bỏ trốn, ông một mình quyết giữ lấy kinh thành. Đến lúc vua Lê hội quần thần ở cung điện để đón tiếp Nguyễn Huệ, quan quân trông thấy uy vũ của Nguyễn Huệ đều lo sợ, duy có ông là vẫn giữ được vẻ đường hoàng và phong thái của một vị quan đại thần. Nguyễn Huệ thấy cử chỉ của ông như vậy, lấy làm lạ, mấy lần hỏi chuyện ông về việc ở Bắc Hà, ông đều trả lời cứng cáp, nhiều câu hỏi còn làm Nguyễn Huệ phật ý, nhưng hễ vặn lại thì ông lại tùy cơ mà ứng đối, không chịu khuất phục khiến Nguyễn Huệ trọng nể khen ngợi: “Trước ta nghe nói Bắc Hà nhân tài nhiều lắm, nay ta thân đến nơi, mới biết chỉ có một mình Trần Công Xán là có nhân sắc mà thôi”.

Năm Đinh Mùi (1787), ông vâng lệnh vua Chiêu Thống vào Phú Xuân điều đình với nhà Tây Sơn xin chuộc lại đất Nghệ An. Sứ bộ do ông làm chánh sứ, Ngô Nho là phó cùng hoàng thân Lê Duy Án và các tùy viên. Trước khi đi, ông còn dặn Nguyễn Hữu Chỉnh chăm lo tới việc quân cơ, đề phòng bất trắc xảy ra: “Sau khi tôi đi, ông nên để ý, đừng có coi thường. Nên chia quân đóng đồn ở rìa núi Thanh Hoá để ngăn cản đường bộ binh của Tây Sơn, còn các cửa bể về mạn Sơn Nam thì nên đóng cọc…”. Chỉnh cho là phải nhưng không làm theo. Dọc đường, Ngô Nho bàn sửa lại quốc thư, ông gạt đi nói rằng: “Chúng ta vâng mệnh đi sứ, mới ra ngoài cõi đã toan chữa quốc thư, mạo chúa, chẳng những mang tội với nhà vua, mà nếu bên địch biết chỗ đó là lừa dối, cũng sẽ không tha mình. Như vậy, tai vạ lại càng to, tiếng chê cười để lại nghìn thu. Bất nhược, ta cứ minh bạch mà làm, còn thắng bại là tại trời”.

Đến Phú Xuân, ông dâng trình quốc thư. Nguyễn Huệ xem xong giận vất xuống đất lớn tiếng quát mắng. Ông bình tĩnh biện luận các điều, đại ý là khi Lê Thái Tổ bình giặc Ngô, gây dựng giang sơn, thiên hạ từ Nam đến Bắc đều quy phục. Chúa Trịnh lấy danh nghĩa phù Lê diệt Mạc khiến mọi người cùng hưởng ứng. Tuy mấy đời nay chúa Trịnh chuyên quyền áp chế nhưng chính sách vẫn theo nhà Lê, như thế thì thiên hạ vẫn còn là của nhà Lê. Nay đại vương đem trả lại giang sơn cho nhà Lê cũng là thuận ý trời, thần dân trong nước ai mà không cảm phục… Nhưng Nguyễn Huệ vẫn không ưng thuận. Thấy trời sắp tối, bảo ông rằng:

– Thôi, hãy ra nhà trọ nghĩ lại cho kỹ.

Ông đáp:

– Tâu đại vương, nghĩ lắm chỉ thêm quẩn thôi, ngày nay kẻ ngu thần này chỉ một chết là xong.

Bắc Bình vương nổi giận, sai bắt bỏ ngục. Trong ngục, ông vẫn cười nói như thường, lại còn đề lên tường nục đôi câu đối:

Đạt đức hữu tam, túng vị năng chi nguyện học
Tiểu tâm vô nhị, hành kỳ tố dã hà vưu.

Nghĩa:

Đức thường có ba điều, nếu chưa đủ, xin học
Lòng mọn không hai, làm theo ý mình, còn oán hận gì.

Quần thần Tây Sơn thấy vậy, tâu với Nguyễn Huệ đem giết đi. Nguyễn Huệ mến tài ông muốn thu dụng, sai quan trung thư lệnh là Trần Văn Kỷ và Võ Văn Trụ đến dụ, ông bảo với họ rằng: “Tôi từng nghe kẻ bề tôi nguyện chết, sự ấy xưa nay đều vẫn thế, ngoài ra, không dám nghe điều gì khác”. Hai người thấy lòng ông sắt đá, bảo với nhau, nhà Hán có Tô Tử Khanh, nhà Lê có Trần Công Xán. Thật đáng thương! Mà cũng thật đáng ghét! Nguyễn Huệ thấy không thể thu phục được ông, muốn giết đi, nhưng e mang tiếng xấu bèn triệu ông đến bảo:

– Các ông cứ về trước, chờ ta ra Bắc sẽ bàn tiếp.

Rồi sai đô đốc Võ Văn Nguyệt sắp đặt thuyền bè đưa ông về Bắc. Thuyền ra đến giữa bể, Nguyệt ngầm sai người đục thuyền rồi phao tin thuyền bị bão đắm, ông và cả đoàn sứ bộ 18 người đều bị chết. Lê Chiêu Thống biết tin, thương tiết, truy phong cho ông là Trung liệt và phong làm phúc thần, truyền cho lập đền thờ tại quê nhà.

4. Phạm Thái

Phạm Thái sinh ngày 19 tháng Giêng năm Đinh Dậu (26-2-1777) tại làng Yên Thị, xã Yên Thường, huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc (nay thuộc Gia Lâm, Hà Nội). Ông là con Trạch Trung hầu Phạm Đạt, một võ tướng cao cấp đời Cảnh Hưng, đã khởi chống Tây Sơn nhưng thất bại. Nối chí cha, năm 20 tuổi, Phạm Thái đi ngao du nhiều nơi để tìm và kết giao với người cùng chí hướng. Ông gặp Phổ tỉnh thiền sư (Trương Quang Ngọc), Nguyễn Đoàn rồi cùng nhau chống Tây Sơn, nhưng không thành công.

Bị truy nã, ông cắt tóc, đội lốt nhà sư, vào tu ở chùa Tiêu Sơn (tức chùa Thiên Tâm nằm trên lưng chừng núi Tiêu, nay thuộc xã Tương Giang, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh), đặt đạo hiệu là Phổ Chiếu Thiền sư.

Đi tu được mấy năm, thì bạn ông là Thanh Xuyên hầu Trương Đăng Thụ (người làng Thanh Nê, thuộc huyện Kiến Xương, trấn Sơn Nam, nay thuộc tỉnh Thái Bình), đang làm quan ở Lạng Sơn, cho người đón ông lên đấy, tính chuyện phù Lê.

Phạm Thái mắc bệnh rồi mất ở Thanh Hóa năm Quý Dậu (1813), lúc 36 tuổi. Thái độ của Phạm Thái đối với nhà Tây Sơn được thể hiện rõ nét qua bài Chiến tụng Tây hồ phú (Đánh lại bài Phú ca tụng hồ Tây). Đây là một bài phú họa lại 85 vận của bài Tụng Tây Hồ của Nguyễn Huy Lượng. Mục đích của ông là có ý đả phá nhà Tây Sơn, một triều đại mà ông Lượng đang suy tôn. Theo Thanh Lãng, thì bài này thực có tính cách kỳ khu quá đáng. Tác giả đã lạm dụng những kinh, những điển, phải là người thông thuộc sử sách Tàu mới hiểu nổi. Lời văn chứa đầy nỗi căm phẫn, hậm hực đối với nhà cầm quyền đương thời (Tây Sơn), biểu lộ rõ ràng lòng thương tiếc nhà Lê mà cái tâm trạng cảm hoài nhà Lê này cũng là tâm trạng chung của nhiều nho sĩ Bắc Hà sau ngày thống nhất… Nhưng nói là nhớ tiếc cái chính trị của mấy ông vua thời Lê mạt thì không đúng. Ông hướng về một quá khứ mà có lẽ cũng không tường tận lắm và cũng chưa thọ hưởng được ân huệ gì; nhưng đó là quá khứ của tiền bối, của gia đình… Vì thế thái độ hoài Lê của ông cũng như nhiều nho sĩ đồng thời không có tính cách chính trị, mà chỉ có tính cách tâm tình.

5. Nguyễn Hành

Nguyễn Hành (sinh năm 1771) là người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, trấn Nghệ An, nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Ông là con của Nguyễn Điều, là cháu nội Nguyễn Nghiễm và gọi Nguyễn Du là chú ruột.

Ông học rộng, nổi tiếng về thơ, nhưng không ra cộng tác với Tây Sơn hay triều Nguyễn, mà cam phận sống nghèo khổ và lúc nào cũng ôm ấp tâm sự hoài Lê. Ông mất năm Giáp Thân (1824) lúc 53 tuổi.

Nguyễn Hành là nhà nho hành xử theo quan điểm “Trung hiếu chi gia ninh sự nhị” (Dòng nhà trung hiếu không thể thờ hai vua). Trước sau ông chỉ thờ mỗi nhà Lê, mặc dù dưới triều đại ấy ông chỉ là một cậu bé. Chính vì quá trung thành với triều đại cũ, nên ông có thái độ thù địch đối với nhà Tây Sơn.

Nỗi niềm ấy thể hiện ở việc tuy phần lớn sáng tác thơ của ông ra đời dưới thời Nguyễn, nhưng ông vẫn viết rất nhiều về thời Tây Sơn. Như trong bài “Tổng vịnh Tây Sơn thời khởi nghĩa giả” (Tổng vịnh những việc nghĩa dấy lên dưới thời Tây Sơn), ông tuyên bố, hễ ai chống lại nhà Tây Sơn đều đáng gọi là hào kiệt; hay như trong bài “Thúy ái phu nhân”, ông đã hết lời ca ngợi một viên tướng triều Lê Hiển Tông, đã tử trận vì chống lại quân Tây Sơn, cùng với người vợ của viên tướng ấy đã vì chồng mà tử tiết, trích:

Tướng quân vì nước hy sinh,
Thiếp cũng xin chết vì tướng quân.

Bên cạnh đó, ông có một số bài nói lên cái chí khí, cái hoài bão lớn lao của mình trong 29 bài ca ngợi liệt nữ, như: “Hai Bà Trưng”, “Bà Triệu”… hay ở bài “Mai Hắc Đế từ” (Đền Mai Hắc Đế), “Kê minh phú” (Phú gà gáy)… Và cái “vị đạo” trong từng câu thơ, câu văn của ông. Chẳng hạn như bài “Bài Trị nộ châm nhất thủ” (Bài châm trị cái giận), “Quan thủy” (Xem dòng nước), “Huyền Thiên quán thần chung” (Tiếng chuông sớm ở quán Huyền Thiên), “Quán viên nhất thủ” (Tưới vườn), “Mãnh hổ hành” (Bài hành về con hổ dữ)… Thực chất đó đều là những ước mong trong việc chống Tây Sơn, khôi phục nhà Lê, chẳng hạn như bài “Ở trọ Bắc Thành”

Ta định làm gì đây?
Thui thủi đến thành này.
Mắt nhìn không có gì quen thuộc,
Ý nghĩ cứ vấn vương không cùng.
Gạo châu củi quế, rất đáng quan tâm,
Giá trị văn chương lại không được mấy tí.
Năm xưa là một quý công tử,
Mà ngày nay đã là một anh đồ già.

6. Ngô Thì Chí

Ngô Thì Chí (1753-1788) tên chữ là Học Tốn, hiệu là Uyên Mật, là người làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay là thuộc huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội). Ông là con trai thứ hai của Ngô Thì Sĩ, và là em ruột Ngô Thì Nhậm. Thi Hương, ông đỗ Á nguyên, làm quan đến chức Thiêm thư bình chương tỉnh quốc.

Khi Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc Hà lần thứ hai (1788), Ngô Thì Chí chạy theo vua Lê Chiêu Thống. Lúc bấy giờ, ông có dâng lên nhà vua bản Hưng trung sách (Sách lược trung hưng), bàn kế khôi phục nhà Lê.

Sau đó, nhà vua bèn phái ông lên Lạng Sơn (nơi cha ông làm Đốc trấn trước đây) chiêu mộ quân để chống lại quân Tây Sơn, nhưng ông đi tới huyện Phượng Nhỡn thì ốm nặng và mất ở huyện Gia Bình (Bắc Ninh) năm 1788. Khi ấy, ông mới 35 tuổi.

7. Nguyễn Du

Nguyễn Du sinh ngày 23 tháng 11 năm Ất Dậu (tức ngày 3 tháng 1 năm 1766) tại phường Bích Câu, Thăng Long. Cha là Nguyễn Nghiễm (1708 – 1775), làm quan đến chức Đại tư đồ (Tể tướng), tước Xuân Quận công. Mẹ là bà Trần Thị Tần là vợ thứ ba của Nguyễn Nghiễm.

Tổ tiên của Nguyễn Du có nguồn gốc từ làng Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam (nay thuộc Hà Nội), sau di cư vào Hà Tĩnh, có truyền thống khoa bảng nổi danh ở làng Tiên Điền về thời Lê mạt. Trước ông, sáu bảy thế hệ viễn tổ đã từng đỗ đạt làm quan.

Năm Đinh Hợi (1767), khi Nguyễn Du mới một tuổi, Nguyễn Nghiễm được thăng Thái tử Thái bảo, hàm tòng nhất phẩm, tước Xuân Quận công nên Nguyễn Du thời đó sống trong giàu sang phú quý. Năm Giáp Ngọ (1774), cha Nguyễn Du sung chức tả tướng, cùng Hoàng Ngũ Phúc đi đánh chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Năm Canh Tý (1780), Nguyễn Khản là anh cả của Nguyễn Du đang làm Trấn thủ Sơn Tây bị khép tội mưu loạn trong Vụ án năm Canh Tý, bị bãi chức và bị giam ở nhà Châu Quận công. Lúc này Nguyễn Du được một người thân của Nguyễn Nghiễm là Đoàn Nguyễn Tuấn đón về Sơn Nam Hạ nuôi ăn học.

Năm Nhâm Dần (1782), Trịnh Sâm mất, kiêu binh phế Trịnh Cán, lập Trịnh Tông lên ngôi chúa. Hai anh của Nguyễn Du là Nguyễn Khản được làm Thượng thư bộ Lại, tước Toản Quận công, Nguyễn Điều làm Trấn thủ Sơn Tây.

Năm Quý Mão (1783), Nguyễn Du thi Hương ở trường Sơn Nam, đậu Tam trường (Tú tài). Ông lấy vợ là con gái Đoàn Nguyễn Thục và ông được tập ấm chức Chánh thủ hiệu hiệu quân Hùng hậu của cha nuôi họ Hà ở Thái Nguyên. Cũng trong năm này, anh cùng mẹ của Nguyễn Du là Nguyễn Đề đỗ đầu kỳ thi Hương ở điện Phụng Thiên và Nguyễn Khản đầu năm thăng chức Thiếu Bảo, cuối năm thăng chức Tham tụng.

Năm Giáp Thìn Tháng 2 năm (1784), kiêu binh nổi dậy đưa hoàng tôn Lê Duy Kỳ lên làm thái tử. Tư dinh của Nguyễn Khản ở phường Bích Câu, Thăng Long bị phá, Nguyễn Khản phải trốn lên ở với em là Nguyễn Điều đang là trấn thủ Sơn Tây. Đến năm 1786 thì Nguyễn Khản bị mắc bệnh rồi chết ở Thăng Long.

Năm Kỷ Hợi (1789) Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh. Đoàn Nguyễn Tuấn hợp tác với Tây Sơn, giữ chức Thị lang bộ Lại. Lúc này, Nguyễn Du về ở quê vợ (Quỳnh Côi, Thái Bình).

Tháng mười năm Tân Hợi (1791), anh thứ tư cùng cha khác mẹ với Nguyễn Du là Nguyễn Quýnh do chống Tây Sơn nên bị bắt và bị giết, dinh cơ họ Nguyễn ở Tiên Điền (Hà Tĩnh) bị Tây Sơn phá hủy.

Năm Quý Sửu (1793), Nguyễn Du về thăm quê Tiên Điền và đến cuối năm ông vào kinh đô Phú Xuân thăm anh là Nguyễn Đề đang làm Thái sử ở viện cơ mật và anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn.

Mùa đông năm Bính Thìn (1796), Nguyễn Du trốn vào Gia Định theo chúa Nguyễn Ánh nhưng bị Quận công Nguyễn Thận bắt giam ba tháng ở Nghệ An. Sau khi được tha ông về sống ở Tiên Điền. Trong thời gian bị giam, ông có làm thơ My trung mạn hứng (Cảm hứng trong tù)

Mùa thu năm Nhâm Tuất (1802), Vua Gia Long diệt nhà Tây Sơn. Nguyễn Du ra làm quan Tri huyện Phù Dung, phủ Khoái Châu, trấn Sơn Nam (nay thuộc tỉnh Hưng Yên). Mấy tháng sau, thăng tri phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng (nay thuộc Hà Nội).

Năm Ất Sửu (1805), ông được thăng Đông các đại học sĩ (hàm Ngũ phẩm), tước Du Đức hầu và vào nhậm chức ở kinh đô Phú Xuân. Năm Đinh Mão (1807), được cử làm giám khảo kỳ thi Hương ở Hải Dương. Mùa thu năm Mậu Thìn (1808), ông xin về quê nghỉ.

Năm Quý Dậu (1813), ông được thăng Cần chánh điện Đại học sĩ và được cử làm chánh sứ sang nhà Thanh. Năm 1814, ông đi sứ về, được thăng Hữu tham chi bộ Lễ (hàm Tam phẩm).

Năm (Canh Thìn) 1820, Gia Long qua đời, Minh Mạng nối ngôi. Lúc này Nguyễn Du được cử đi làm chánh sứ sang nhà Thanh báo tang và cầu phong nhưng ông bị bệnh dịch chết ngày mồng 10 tháng 8 âm lịch (16 tháng 9 năm Canh Thìn (1820) lúc 54 tuổi.

Đại Nam thực lục chép về Nguyễn Du: “Du là người Nghệ An, học rộng giỏi thơ, càng giỏi về Quốc ngữ. Nhưng là người nhút nhát, mỗi khi ra mắt vua thì sợ sệt không hay nói gì”. Đại Nam liệt truyện chép: “Du là người ngạo nghễ tự phụ, mà bề ngoài tỏ ra kính cẩn, mỗi khi vào yết kiến, sợ hãi như không nói được”. Người đời sau, như ý kiến của các ông Trịnh Vân Định, Trần Nho Thìn cho đó là một cách khéo léo để giữ toàn mạng và thăng tiến trong thời loạn, mặc dù trong văn thơ của Nguyễn Du thường đề cao những anh hùng thời loạn, nhưng ông chọn cách sống khác, cống hiến nhưng “ẩn dật” trong chốn quan trường.

Thời đại của Nguyễn Du, những điều gọi bằng lẽ phải không hiện ra vằng vặc ở trước mắt. Đấy là một thời ký giằng co quyết liệt giữa nhiều xu thế chinh trị khác nhau. Trong đời sống tư tưởng của xã hội, từng mảng nhỏ của hệ thống giáo lý phong kiến cơ hồ bị bung ra, bị lật xảo đến gốc, tạo nên không ít những cuộc khủng hoảng tinh thần. Chiến thắng hiển hách của nông dân khởi nghĩa, rồi sự phục thù của những thế lực phản động, sức vang dội cua những yêu cầu tự do và công lý, rồi việc lập trở lại một trật tự phong kiến đen tối vào bậc nhất… Tất cả những điều trái ngược đó khiến cho không khi thời đại càng thêm phức tạp, với những màu sắc phấn khởi và tuyệt vọng, lạc quan và bi quan lẫn lộn. Nguyễn Du vừa mới chứng kiến tấn thảm kịch tự chôn mình của một Lý Trần Quán, thì tiếp theo, đã phải ngơ ngác trước cái phong thái ung dung đi theo “tân triều” của một Ngô Thời Nhiệm ; trong khi ông đang xót xa tủi nhục cho tình, cảnh “sẩy đàn tan nghé” của tập đoàn phong kiến Lê Trịnh, thì đồng thời cũng đã được nghe vọng đến tiếng sấm chiến công của Nguyễn Huệ phá tan hai mươi vạn quân giặc ngoại xâm; và rồi cũng chính giữa lúc nhà thơ chưa kịp làm quen với sự có mặt của những con người “cờ đào áo vải” trong cương vị những chủ nhân xã hội, thì ông lại đã sửng sốt nhìn thấy tấn bi kịch đổ vỡ của triều đại Tây Sơn mà thấp thoảng phía sau là cải mưu đồ “Phục quốc” của Gia Long.

Quy trình, mọi hoạt động đầy kịch tính của lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XVIII và nửa đầu thể kỷ XIX đã ập vào Nguyễn Du một cách khá dồn dập, làm cho ông như sống trong một trạng thái choáng váng về tư tưởng và không phải đã dễ dàng tìm ngay được một lẽ sống, một chỗ đứng nào vững vàng ồn định. Thời kỳ chạy loạn về quê vợ, Nguyễn Du đã tính chuyện phù Lê chống Tây Sơn. Một đứa con của một gia đình “vọng tộc” từng nhiều đời nặng ơn trời bể với Lê – Trịnh, đối với Tây Sơn có hành động như vậy kể cũng dễ hiểu. Nhưng một điều cũng khá lạ lùng là mặc dù chống Tây Sơn. Nguyễn Du vẫn không hé lộ ra một thái độ hằn học nào đối với triều đại đó. Chí nguyện phù Lê của Nguyễn Du, có chăng, trước sau cũng chưa vượt ra ngoài một nỗi niềm tâm sự:

Ngã hữu thổn tâm vô dữ ngữ
Hồng sơn sơn hạ Quế – giang thâm

(Ta có một chút tâm sự không biết tỏ cùng ai
Dưới chân núi Hồng sông Quế – giang sâu thẳm)

(My trung mạn hứng – Nguyễn Du)

Ai biết được đấy là tâm sự gì? Sau này khi chính Tây Sơn đã bị lật đổ, ta lại thấy Nguyễn Du có cái tiếng thở dài rất đỗi bùi ngùi:

Tây Sơn cơ nghiệp tận tiêu vọng
Ca vũ không di nhất nhân tại

(Cơ nghiệp Tây Sơn tiêu vong đâu hết
Mà còn sót lại một người trong làng ca múa)

(Long Thành cầm giả ca – Nguyễn Du)

Có phải thực tế cuộc đời trong bao nhiêu năm, nhất là những năm đen tối dưới triều nhà Nguyễn, đã lay chuyền dần tình cảm của Nguyễn Du, làm cho ông có một cái nhìn phần nào khác trước đối với Nguyễn Huệ?


Tham khảo:
1. Trần Văn Giáp (2003), Tìm hiểu kho sách Hán Nôm (Tập 1 và 2 in chung), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội
2. Cao Xuân Hạo (2005), Quốc triều chánh biên toát yếu, quyển II, Nxb Thuận Hóa, Huế
3. Nguyễn Văn Hoàn (1973), Phong trào khởi nghĩa nông dân và văn học Việt Nam thế kỷ XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX, Tạp chí Văn học, số 4, tr. 15-20
4. Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí tập I-V, Nxb Thuận Hoá, Huế
5. Quốc sử quán triều Nguyễn (1982), Đại Nam thực lục, Nxb Sử học, Hà Nội
6. Quốc sử quán triều Nguyễn (1990), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập I-II, Nxb Giáo dục, Hà Nội
7. Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam liệt truyện, tập I-IV, Nxb Thuận Hoá, Huế — với Huy Nguyễn và Lê Hà Hồng Linh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *